Như đã đề cập ở chủ đề trước, phần lớn ứng dụng của DeFi đang được xây dựng trên chuỗi khối Ethereum. Nhưng chính xác thì Ethereum là gì?
Ethereum là một nền tảng toàn cầu với mã nguồn mở cho các ứng dụng phi tập trung. Bạn có thể hiểu nó như một thế giới máy tính mà không thể bị tắt.
Trên Ethereum, những nhà phát triển phần mềm có thể viết các bản hợp đồng thông minh (smart contract) mà kiểm soát giá trị kỹ thuật số thông qua một bộ tiêu chí và tiếp cận được ở bất cứ đâu trên thế giới.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cùng bạn khám phá những ứng dụng Phi tập trung cung cấp các dịch vụ tài chính DeFi.
Bước đầu tiên, nhằm tạo nền tảng cho ứng dụng, các lập trình viên sẽ viết những bản hợp đồng thông minh, rồi đưa chúng vào khai thác trên nền tảng chạy 24/7 Ethereum. Sau đó, mạng lưới này sẽ tiếp tục duy trì những giá trị kỹ thuật số trên và cập nhập liên tục trạng thái của chúng.
1. Hợp đồng thông minh (Smart Contract) là gì?
Một bản hợp đồng thông minh là một bản hợp đồng có thể lập trình được, cho phép hai bên tham gia thiết lập điều kiện của một giao dịch mà không cần sự đảm bảo của bên thứ ba để thi hành hiệu lực.
Ví dụ, nếu A muốn tạo một quỹ ủy thác để trả B $100 mỗi tháng trong vòng 12 tháng, A có thể lập trình một bản hợp đồng thông mình như sau:
- Kiểm tra ngày tháng
- Vào ngày đầu tiên của mỗi tháng, tự động chuyển cho B $100
- Lặp lại cho tới khi quỹ trong bản hợp đồng cạn kiệt.
Bằng cách sử dụng một bản hợp đồng thông minh, A không cần phải thuê một bên trung gian như luật sư để chuyển tài sản ủy thác tới B, cũng như toàn bộ quy trình hoàn toàn minh bạch với tất cả các bên liên quan.
Các bản hợp đồng thông minh hoạt động dựa trên nguyên tắc “nếu, thì”. Mỗi khi đáp ứng một điều kiện nhất định, sẽ tiến hành điều khoản tương ứng như đã được lập trình trước trong hợp đồng.
Nhằm hoàn thành những quy trình và tính toán phức tạp hơn, người ta gộp chung rất nhiều bản hợp đồng lại để tương tác với nhau, và gọi chúng với cái tên: Ứng dụng Phi tập trung – Dapp.
2. Ether (ETH) là gì?
Ether là một loại tiền riêng của khối chuỗi Ethereum.
Ether giống loại tiền mà ta đang sử dụng và có thể được dùng trong các giao dịch hằng ngày tương tự Bitcoin. Bạn có thể chuyển Ether tới cho một người khác để thanh toán hàng hóa và dịch vụ dựa trên giá thị trường hiện tại. Khối chuỗi Ethereum sẽ ghi lại toàn bộ giao dịch và đảm bảo hoàn tất chúng.
Bên cạnh đó, Ether cũng được dùng để trả cho chi phí hoạt động và duy trì của các bản hợp đồng thông minh và Dapp trên mạng lưới Ethereum. Hãy tưởng tượng việc thực hiện các bản hợp đồng trên Ethereum giống như lái xe. Để lái xe, bạn sẽ cần xăng dầu. Tương tự, để thực hiện các bản hợp đồng trên Ethereum, bạn cũng cần trả một khoản phí bằng Ether, hay còn biết đến là Gas.
Ether đang từng bước phát triển trở thành đơn vị tiền tệ dự trữ và kho lưu giữ giá trị duy nhất của chính nó. Hiện tại, trong hệ sinh thái Phi tập trung, Ether là sự lựa chọn yêu thích của nhiều ứng dụng Phi tập trung cho vị trí tài sản thế chấp cơ bản. Chúng cung cấp sự an toàn và tính minh bạch cho hệ thống tài chính này.
3. Gas là gì?
Trên Ethereum, tất cả giao dịch lẫn việc thực hiện các bản hợp đồng yêu cầu phải trả một khoản phí nhỏ. Phần phí này được gọi là Gas. Trong thuật ngữ chuyên ngành, Gas là đơn vị đo lường phần năng lượng máy tính cần để thực hiện một hoạt động hay một bản hợp đồng. Hoạt động đó càng phức tạp, thì càng cần nhiều gas để hoàn thành. Phí Gas được trả hoàn toàn bằng ETH.
Phí gas có thể tăng giảm theo thời gian phụ thuộc vào nhu cầu của mạng lưới. Giả sử có nhiều người tương tác với nhau trên khối chuỗi Ethereum như thực hiện giao dịch ETH hay thực hiện điều khoản hợp đồng, do nguồn tài nguyên máy tính vận hành trên nền tảng là hạn chế, phí Gas có thể tăng. Và ngược lại, khi nền tảng sử dụng dưới mức bình thường, phí Gas có thể giảm.

Phí Gas có thể được thiết lập “bằng tay”, và trong tình huống mạng lưới bị nghẽn tắc do quá tải người dùng, các giao dịch gắn với phí Gas cao nhất sẽ được ưu tiên thẩm định trước. Các giao dịch đã thẩm định sẽ hoàn tất và thêm vào khối chuỗi. Với phí Gas trả quá thấp, các giao dịch đó có thể phải xếp hàng dài và mất một lúc để hoàn thành.
Do đó, giao dịch với mức phí Gas thấp hơn mức trung bình có thể mất nhiều thời gian hơn để thực hiện.
Mức giá Gas thường biểu thị bằng gwei.
1 gwei = 0.000000001 ether
Cho rằng thực hiện 1 bản hợp đồng thông minh để chuyển khoản token cần 21,000 đơn vị gas
Và giá Gas thị trường trung bình là 3 gwei
21,000 gas x 3 gwei = 63,000 gwei = 0.000063 ETH
Vậy, bạn sẽ phải trả phí gas là 0.000063 ETH để xử lý và thẩm định giao dịch trên mạng lưới
4. Ứng dụng Phi tập trung (Dapps) là gì?
Trong ngữ cảnh Ethereum, Ứng dụng Phi tập trung hay Dapps là giao diện tương tác với khối chuỗi thông qua việc sử dụng hợp đồng thông minh. Nhìn từ ngoài vào, Dapp có diện mạo và hành xử y như trang web hay ứng dụng điện thoại bình thường, ngoại trừ việc chúng tương tác với một khối chuỗi và vận hành theo những cách khác. Một trong số đó là yêu cầu ETH để dùng Dapp, và lưu trữ dung lượng người dùng trên khối chuỗi, v.v…
4.1. Ưu điểm của Dapps
Dapps được xây dựng trên nền tảng của các mạng lưỡi khối chuỗi Phi tập trung như Ethereum và thường sở hữu những ưu điểm sau:
- Tính bất biến: Không ai có thể sửa bất kỳ thông tin nào một khi nó đã lưu trên khối chuỗi
- Chống giả mạo: Các bản hợp đồng đăng trên khối chuỗi không thể bị can thiệp mà không đánh động tới các bên liên quan.
- Minh bạch: Các bản hợp đồng thông minh khởi chạy Dapp có thể kiểm tra công khai.
- Sẵn có: Miễn là mạng lưới Etherum tiếp tục hoạt động, Dapp xây trên chúng sẽ tiếp tục hoạt động và có thể sử dụng.
4.2. Nhược điểm của Dapps?
Mặc dù khối chuỗi có rất nhiều ưu điểm, chúng cũng đồng thời đi kèm với một số nhược điểm nhất định, cụ thể:
- Tính bất biến: Các bản hợp đồng thông minh được lập trình bởi con người nên thành phẩm giới hạn bởi trình độ người viết. Hiếm ai không bao giờ mắc lỗi, khi đó, các bản hợp đồng bất biến này có nguy cơ phóng đại lỗi nhỏ thành hậu quả nghiêm trọng hơn.
- Minh bạch: Các bản hợp đồng thông minh có thể kiểm tra công khai cũng có thể trở thành vũ khí tấn công cho hacker, do hackers có thể nghiên cứu mã code này nhằm tìm ra lỗ hổng.
- Khả năng mở rộng: Đa số trường hợp, băng thông của một ứng dụng Phi tập trung bị giới hạn bởi khối chuỗi nó trú ngụ.
5. Ethereum còn có thể được sử dụng trong lĩnh vực nào?
Bên cạnh tạo ra các Dapp, Ethereum có thể được dùng cho hai mục đích khác: thảnh lập các tổ chức Phi tập trung Tự trị (Decentralized Autonomous Organization – DAO) hay phát hành các đồng tiền khác.
DAO là một tổ chức hoàn toàn tự trị, nghĩa là không thuộc kiểm soát bởi một cá nhân nào, mà thay vào đó, kiểm soát bởi mã code. Mã code này dựa trên các bản hợp đồng thông minh và cho phép các tổ chức DAO thay thế cách thức vận hành truyền thống. Do chạy trên các mã code, chúng được bảo vệ khỏi sự can thiệp từ con người và hoạt động một cách minh bạch. Chúng không chịu ảnh hưởng bởi bất kỳ thế lực ngoại lai nào. Các quyết định quản lý và luật lệ sẽ được quyết định thông qua bỏ phiếu token (mã thông báo).
Nhắc đến token, Ethereum còn có thể sử dụng như một nền tảng để tạo ra các đồng tiền điện tử khác khác. Hiện tại đang có hai loại giao thức token phổ biến trên mạng lưới Ethereum: ERC-20 và ERC-721.
ERC-20 là một giao thức tiêu chuẩn, xác định các quy tắc và tiêu chuẩn cho việc phát hành token trên Ethereum. Token ERC-20 có thể thay thế được, nghĩa là chúng có thể hoán đổi cho nhau và có cùng giá trị. Mặt khác, token ERC-721 không thể thay thế, nghĩa là chúng hoàn toàn duy nhất và không thể hoán đổi. Đơn giản hơn, hãy hình dung ERC-20 là tiền và ERC-721 là vật phẩm sưu tầm hay còn gọi là NFT.

Và đó là toàn bộ về Ethereum!
Nếu bạn quan tâm tới sở hữu đồng tiền điện tử đầu tiên hay muốn thử một ứng dụng DeFi đầu tiên, chúng tôi sẽ giới thiệu một vài ứng dụng DeFi tương đối thú vị và hướng dẫn step-by-step. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu cuộc hành trình mới, đừng quên thiết lập cho bản thân Ví Ethereum đã nhé!
