Nhược điểm của công nghệ Blockchain

Công nghệ Blockchain có lẽ đã bị mời chào như một giải pháp toàn năng cho mọi vấn đề trong các lĩnh vực công nghiệp và trên thế giới.

Nhiều công ty khởi nghiệp từ công nghệ Blockchain và nhiều đồng tiền mã hóa được ra đời hứa hẹn giải quyết được mọi việc từ phá bỏ hệ thống ngân hàng tới xóa bỏ đói nghèo trên thế giới.

Nhiều nhận định về công nghệ Blockchain gợi nhắc tới mạng Internet vào những ngày đầu tiên. Trong khi mạng Internet đã thực sự thay đổi thế giới, nhiều dự đoán về Blockchain lại quá phóng đại, thời gian diễn ra phi thực tế và nhiều công ty khởi nghiệp đang thành công được dự báo là sẽ phá sản trong tương lai.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ nghiên cứu một số vấn đề và bất lợi của công nghệ Blockchain.

1. Thiếu Tính Riêng Tư

Các Blockchain phi tập trung thiếu tính riêng tư, điều này gây khó khăn trong việc đạt được đồng thuận triệt để. Thông tin không chỉ thiếu tính riêng tư mà còn có thể được truy cập dễ dàng vào bất cứ thời điểm nào từ bất cứ người dùng nào trong hệ thống.

Việc xác định danh tính một tài khoản trên Blockchain Bitcoin sau khi nhận được khoản thanh toán từ người đó cũng tương đối dễ dàng.

Nếu bạn đến một cửa hàng và thực hiện thanh toán, chủ cửa hàng có thể thấy giao dịch đó trên Blockchain. Thông tin trong giao dịch sẽ cho thấy khoản tiền được gửi từ ví nào, họ còn có thể kiểm tra tài khoản đó và biết được bạn sở hữu bao nhiêu tiền cũng như toàn bộ các giao dịch xuất nhập từ tài khoản đó của bạn.

Ý nghĩ về một Blockchain phi tập trung cung cấp rõ ràng từng giao dịch đơn lẻ từ đó công khai mạng lưới đã trở thành nỗi lo lắng của nhiều người. Đặc biệt trong trường hợp mua sắm tại những cửa hàng nơi danh tính có thể liên kết trực tiếp tới tài khoản và giao dịch.

Điều này cũng gây nên ái ngại rằng nhiều máy tính hoạt động trên mạng lưới Blockchain quy mô lớn tại những quốc gia như Nga và Trung Quốc, nơi tình trạng tội phạm công nghệ cao và thông tin cá nhân có thể bị lợi dụng để gây hại cho những người sinh sống và khách du lịch tới các quốc gia đó.

Có nhiều Blockchain phi tập trung cung cấp mức độ bảo mật giao dịch cao hơn hoặc giới hạn người có thể truy cập để theo dõi thông tin. Tuy nhiên, Bitcoin, Ethereum và nhiều đồng tiền mã hóa quy mô lớn khác không vận hành theo cách đó và hiện tại không có kế hoạch tăng cường tính riêng tư cho giao dịch hay tài khoản.

2. Những Lo Ngại Về Bảo Mật

Tài sản trong công nghệ Blockchain là tiền mặt, nên tiền mặt trong ví của bạn sẽ mất hẳn nếu bị trộm cắp hay thất lạc. Các hệ thống dựa trên công nghệ Blockchain sử dụng mật mã học và mã hóa cao cấp an toàn hơn các mật khẩu tiêu chuẩn trên mạng Internet hay mã số truy cập. Tuy nhiên, bảo mật hơn đôi khi có thể khiến một hệ thống thiếu tin cậy hơn.

Có vô số trường hợp trong thế giới tiền mã hóa nơi mà người dùng quên khóa cá nhân nên không thể truy cập khoản tiền của họ.

Những trường hợp này thường xảy ra khi người ta mua một loại tiền mã hóa nào đó với giá thấp nhưng không quá quan tâm đến chuyện đó. Sau này, họ thấy giá trị đồng tiền đó tăng lên nhiều và khoản đầu tư nho nhỏ ban đầu nay đã thành hàng triệu đô la, vì thế họ cố gắng truy cập lại.

Một trường hợp rất nổi tiếng trong số này là James Howells, sống tại Vương quốc Anh, đã vứt bỏ chiếc máy tính xách tay với 7.000 Bitcoin trong đó. Ngày nay, giá trị của số Bitcoin này là hơn 330 triệu đô la.

Vì tính minh bạch trong Blockchain, nếu mọi người có khóa công khai, họ có thể xem số dư tài khoản và giá trị của nó nhưng không thể truy cập được. Điều này cũng tương tự như một ngân hàng có thể cho bạn biết số dư tài khoản ngân hàng của bạn nhưng bạn không có cách nào tiếp cận được số tiền đó.

Đối với những tài khoản ngân hàng truyền thống, nếu bạn mất mật khẩu ngân hàng trực tuyến, thẻ tín dụng hoặc số tài khoản, bạn có thể tới ngân hàng và chứng minh danh tính để lấy lại quyền truy cập. Nhưng đối với các loại tiền mã hóa dựa trên công nghệ Blockchain phi tập trung như Bitcoin thì lại không như vậy. Trong vài năm vừa qua, có hàng tỷ đô la tiền mã hóa bị mất do bị tấn công, gian lận hoặc bảo vệ kém.

Nếu một người truy cập thẻ tín dụng của bạn và rút tiền trong đó, bạn có thể gọi cho ngân hàng yêu cầu khóa thẻ để người kia không rút được thêm nữa. Ngân hàng sẽ thường có bảo mật chống gian lận, đồng thời có khả năng đảo chiều giao dịch và truy nguyên các khoản thanh toán.

Đối với các hệ thống xây dựng trên nền tảng Blockchain, các giao dịch có thể bị thay đổi hoặc đảo ngược nhưng không có lấy một đơn vị trung gian nào hỗ trợ bạn nếu xảy ra gian lận trong tài khoản của bạn. Nếu bạn gửi tiền tới nhầm tài khoản (ví) trên Blockchain, bạn sẽ mất hẳn số tiền đó. Nếu có người giành được quyền truy cập khóa cá nhân của bạn, họ có thể rút toàn bộ tiền ra khỏi tài khoản của bạn và không có cách nào đảo ngược giao dịch đó hoặc yêu cầu đền bù.

Thắc mắc đầu tiên trong số những câu hỏi phổ biến nhất về hệ thống áp dụng công nghệ Blockchain là: "Tôi có thể đặt lại mật khẩu bằng cách nào nếu tôi quên hoặc làm mất nó?", đáp án là "Bạn không thể đặt lại". Lời khuyên cho mọi người khi thiết lập khóa cá nhân trên Blockchain là "ghi chép lại". Mọi tiến bộ trong mật mã học rốt cuộc lại khiến người ta phải chép lại khóa cá nhân vào đâu đó, rồi giấu ở nhà hoặc trong máy tính, tất cả điều đó gây sụt giảm tính bảo mật nếu so sánh với phương thức bảo mật truyền thống.

Đối với việc xử lý vấn đề chung trong các hệ thống dựa trên Blockchain, nhiều phương thức bảo mật, dù giúp tài sản Blockchain an toàn hơn, lại khiến việc đồng thuận vấn đề chung đó trở nên khó khăn hơn. Loại ví Blockchain dựa trên nền tảng web rất phổ biến, nơi mọi người lưu trữ tiền mã hóa qua một công ty thứ ba. Khi sử dụng các ví dựa trên nền tảng web do bên thứ ba cung cấp, mọi người phải hy sinh những lợi ích bảo mật của Blockchain chẳng hạn như khóa cá nhân để đổi lấy các mật khẩu truyền thống mà họ có thể đặt lại nếu chẳng may quên mất.

3. Rủi Ro Từ Tấn Công Quá Bán

Trong thị trường tài chính, luôn tồn tại một cơ chế sửa chữa khi bị tấn công. Trong Blockchain, không có cơ chế sửa chữa vấn nạn đó - mọi người phải chấp nhận chuyện đó.

Tiếp tục với vấn đề quản lý, nếu một người có khả năng kiểm soát trên 50% số máy trong mạng lưới Blockchain, họ sẽ kiểm soát được các giao dịch trên Blockchain. Một người dùng hiểm độc kiểm soát được trên 50% số máy trong mạng lưới Blockchain được gọi là "Tấn Công Quá Bán".

Nếu tận dụng được quyền kiểm soát trên mạng lưới tiền mã hóa này, theo lý thuyết, họ có thể khiến các giao dịch mới không được xác nhận, đảo chiều giao dịch và cho phép "giao dịch lặp chi" tai hại xảy ra.

Một cuộc Tấn Công Quá Bán trên mạng lưới Blockchain thường được coi là lý thuyết vì để kiểm soát một số lớn trên mạng lưới rất khó khăn; tuy nhiên, có nhiều trang trại khai thác khổng lồ đặt tại Mỹ, Trung Quốc, Nga và nhiều nơi khác trên thế giới nắm quyền kiểm soát phần lớn công suất tính toán trong mạng lưới Blockchain. Nếu những trang trại khai thác khổng lồ này liên kết lại với nhau, họ có khả năng chiếm dụng mạng lưới Blockchain và thao túng mạng lưới vì lợi ích riêng.

Ngay cả khi không kiểm soát được 51% mạng lưới, họ cũng có thể thao túng mạng lưới bằng cách phân bổ công suất tính toán theo hướng gây ảnh hưởng tới sự phát triển tương lai của mạng lưới. Đây cũng là trường hợp liên quan đến vấn đề biểu quyết của mạng lưới Bitcoin đã đề cập phía trên.

4. Niềm Tin, Uy Tín Và Hiểu Biết Về Blockchain

Vẫn còn tồn tại nhiều sự thiếu hiểu biết về cách thức Blockchain hoạt động cũng như tai tiếng bắt nguồn từ mối liên hệ với Bitcoin.

Bitcoin là ứng dụng Blockchain phổ biến nhất, và nhiều người có quan niệm nặng nề rằng Bitcoin gắn với tội phạm. Mặc dù đồng tiền mã hóa này đang ngày càng được chấp nhận rộng rãi với tư cách một hình thức thanh toán hợp pháp, một nơi lưu trữ giá trị, nhưng tội phạm máy tính và khủng bố đã đẩy Bitcoin vào những tin tức liên quan đến vấn đề đó.

Một trường hợp gần đây xảy ra trong mạng lưới máy tính tại Sở Y tế Quốc gia (NHS) tại Vương quốc Anh. Một vi rút đã khóa các máy tính của NHS, khiến người ta không thể truy cập được trừ phi trả tiền chuộc bằng Bitcoin. Vụ việc đã đưa Bitcoin lên tiêu đề các trang báo tại Anh trong đó quy kết Bitcoin với tội phạm máy tính, hacker và khủng bố nặc danh. Các bệnh viện đã không thể truy cập được hồ sơ bệnh án, điều này gây hậu quả nặng nề đến sinh mạng của nhiều bệnh nhân đang cần chữa trị y tế trong suốt thời gian này.

Photo by Ian Taylor / Unsplash

Blockchain tuyên bố sẽ tạo được niềm tin giữa mọi người trong giao dịch mà không cần đặt lòng tin vào đơn vị trung gian. Tuy nhiên, người ta vẫn cần đặt niềm tin vào mạng lưới Blockchain và những máy tính vô danh đang vận hành nó. Thật khó để khiến người ta tin tưởng một hệ thống có thể bị tội phạm sử dụng thoải mái, đặc biệt là vì nhiều máy tính đang vận hành mạng lưới lại được đặt tại nhiều quốc gia không được chính phủ sở tại quy định và kiểm soát.

Những sự cố về tội phạm máy tính liên quan đến Bitcoin là nguyên nhân chính khiến nhiều công ty phát triển hệ thống dựa trên nền tảng Blockchain đang cố gắng tách biệt Bitcoin và Blockchain. Thuật ngữ "sổ cái phân tán" đã trở nên phổ biến hơn trong thời gian gần đây, khiến khoảng cách giữa Bitcoin và công nghệ dựa trên nền tảng Blockchain mới trở nên xa xôi hơn.

Những lợi ích của hệ thống dựa trên nền tảng Blockchain khá khó hiểu đối với nhiều người. Như đã đề cập, nhiều người đã cho phép đơn vị trung gian truy cập Blockchain để họ có thể sử dụng loại mật khẩu thông thường đăng nhập vào các trang web, chính điều này đã triệt tiêu lợi ích của công nghệ Blockchain. Nhiều người không thích người khác biết được số dư tài khoản hay các giao dịch của họ hoặc những phương diện khác của Blockchain nên ưa thích sử dụng các hệ thống vốn có hơn.

Nói chung, niềm tin và hiểu biết về mạng lưới Blockchain sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự chấp nhận công nghệ này. Có lẽ cần nhiều thời gian để công chúng có thể đặt niềm tin vào mạng lưới Blockchain và an tâm giao dịch trên đó.

5. Quy Định Và Kết Hợp

"Các chuyên viên phân tích và tay chơi tài chính tài năng nhất thế giới đang bàn tán sôi nổi về một phát kiến đang phần nào nổi tiếng vì hứa hẹn sẽ đánh bại họ."
- Mike Gault

Các tài sản dựa trên nền tảng Blockchain đang đối mặt với quy trình xử lý các vấn đề luật định và phối hợp trường kỳ với các hệ thống hiện hành. Chính phủ và ngân hàng phản đối thay đổi vì quy mô và chi phí cần để thay đổi các hệ thống đang sử dụng.

Nếu các hệ thống dựa trên nền tảng Blockchain không thể chứng minh được rằng chúng có thể tạo nên khoản tiết kiệm chi phí hoặc lợi ích to lớn xứng đáng thay thế các hệ thống hiện thời, thì các tổ chức lớn như chính phủ và ngân hàng sẽ không nhanh chóng sử dụng chúng.

Nếu nhiều tổ chức tài chính lớn chuyển sang công nghệ mới và đang sử dụng thì có vấn đề xảy ra, điều này có thể đẩy thị trường tài chính thế giới và dữ liệu khách hàng vào một hiểm họa nghiêm trọng.

Hội đồng Giám sát Độ Ổn định Tài chính (Financial Stability Oversight Council - FSOC) còn lo ngại rằng một số hệ thống dựa trên nền tảng Blockchain dễ bị gian lận hơn so với những nhận định thu được gần đây qua thử nghiệm trên quy mô nhỏ.

Một vấn đề khác đối với nhiều tổ chức tài chính sử dụng hệ thống dựa trên nền tảng Blockchain hoặc sổ cái phân tán chung là lĩnh vực hoạt động của các nhà quản lý. Một hệ thống dựa trên nền tảng Blockchain, theo lý thuyết, có thể trải rộng trên nhiều phạm vi quản lý và lãnh thổ quốc gia khác nhau, vì thế càng làm mối quan hệ giữa các nhà quản lý và phạm vi thực hiện giao dịch trở nên u ám.

Nhiều tổ chức tài chính lớn sẽ rất thận trọng với việc chuyển đổi sang bất cứ hệ thống nào mà các quy định của chính phủ chưa rõ ràng. Rủi ro kinh doanh và tài chính sẽ quá cao nếu các chính phủ không đưa ra quy định cụ thể về cách thức ứng đối với các tài sản dựa trên nền tảng Blockchain. Quan ngại về luật định, chi phí tích hợp cùng với việc thiếu thốn các ứng dụng hệ thống dựa trên nền tảng Blockchain trên quy mô lớn sẽ dẫn tới việc áp dụng chậm chạp công nghệ này vào các chính phủ và tổ chức tài chính lớn.

6. Những Lời Đồn Thổi

Nhiều bài viết về công nghệ Blockchain có thể coi là quá mức thổi phồng hoặc quá sốt sắng với những nhận định rằng công nghệ Blockchain sẽ biến đổi thế giới, hủy hoại các chính phủ, triệt tiêu các ngân hàng, giải quyết vấn nạn đói nghèo trên thế giới, và có khi còn giúp bạn có được cơ bụng săn chắc mà không cần tập thể hình.

Nhận định cuối cùng về cơ bụng không phải là sự thật, nhưng lại cho thấy những đồn thổi xoay quanh Blockchain, và sẽ chẳng bất ngờ gì nếu một công ty khởi nghiệp đặt tại Thung lũng Silicon đã đưa ý tưởng này vào quỹ đầu tư mạo hiểm.

Rất dễ lạc trong những đồn thổi về một công nghệ mới, mạng Internet cũng không phải ngoại lệ. Đó là một công nghệ có tính cách mạng đã làm thay đổi cả thế giới, tuy nhiên rất nhiều dự đoán vào thuở sơ khai của mạng Internet gọi nó là "niềm lạc quan phi lý".

Khoảng thời gian ước lượng về mức độ ảnh hưởng của công nghệ mới này thay đổi chóng mặt và thường sai lệch rất lớn. Như đã đề cập trong phần lịch sử hình thành của Blockchain, DigiCash và những công nghệ dựa trên nền tảng mật mã học cùng nhiều đồng tiền mã hóa khác đã ra đời từ vài thập kỷ trước Bitcoin nhưng lại là quá sớm so với dự đoán về khả năng chấp nhận công nghệ của thị trường.

Như đã đề cập trong bài viết trước, ngay cả khi mọi người muốn sử dụng Bitcoin và hệ thống dựa trên nền tảng Blockchain, nhiều người vẫn thích các phương thức mà Blockchain định thay thế. Điều này sẽ ngay lập tức xóa bỏ nhu cầu sử dụng các hệ thống dựa trên nền tảng Blockchain nếu mọi người ưa dùng các hệ thống hiện có hơn là những lợi ích hứa hẹn đến từ Blockchain.

Lợi ích của công nghệ Blockchain
Công nghệ Blockchain có khả năng tối ưu hóa cơ sở hạ tầng toàn cầu để giải quyết các vấn đề quốc tế hiệu quả hơn nhiều các hệ thống hiện hành trong bối cảnh hiện nay

Công nghệ Blockchain chỉ là cách thức mới để lưu trữ và quản lý dữ liệu. Công nghệ này không phải giải pháp cho mọi vấn đề trên thế giới, vì thế đừng tin vào những lời đồn thổi.

7. Tựu Chung Lại:

  • Thiếu tính riêng tư: Nhiều Blockchain phi tập trung không có tính riêng tư. Số dư tài khoản và các giao dịch đều có thể bị mọi người trên mạng lưới xem xét.
  • Những lo ngại về bảo mật: Tài sản dựa trên nền tảng Blockchain như tiền mặt, nếu tiền trong ví bạn bị mất hoặc bị đánh cắp, bạn sẽ mất số tiền đó. Nhiều phương thức bảo mật trong Blockchain lại khiến việc đồng thuận vấn đề chung đó trở nên khó khăn hơn và có thể kém an toàn hơn so với những phương thức hiện thời vì mọi người sẽ chép lại khóa cá nhân để họ không bị quên mất.
  • Không tồn tại quyền quản lý tập trung: Với một mạng Blockchain như Bitcoin, những sự thay đổi phải nhận được đồng thuận của một đa số nào đó trong mạng lưới, con số này có thể hơn 50% nhưng cũng có thể đạt tới 70% hoặc 80% mạng lưới. Không một tổ chức đơn lẻ nào kiểm soát các thay đổi hoặc định hướng trong Blockchain phi tập trung, điều này khiến các tổ chức sử dụng có nguy cơ gặp rủi ro khi giao dịch vì họ không thể kiểm soát được thay đổi nào trong hệ thống.
  • Rủi ro từ Tấn Công Quá Bán: Nhiều máy tính vận hành Blockchain trên quy mô toàn cầu được đặt tại các quốc gia nơi mà người dân không an tâm vì vấn đề tội phạm, hệ thống pháp luật và tình trạng thiếu các quy định. Chi phí điện thấp và chi phí máy tính tại nhiều quốc gia đã tạo nên nhiều trung tâm khai thác khối lớn trên Blockchain. Nếu những trung tâm dữ liệu này liên kết lại với nhau, chúng có khả năng kiểm soát hơn 50% mạng lưới và chiếm quyền quản lý mạng lưới.
  • Sự thiếu hiểu biết về công nghệ Blockchain: Cách thức Blockchain hoạt động và lợi ích của nó rất khó hiểu với nhiều người. Nhiều người còn lo ngại về các phương diện trên mạng lưới Blockchain như số dư và giao dịch của họ bị công khai. Ngay cả khi hiểu được các lợi ích, nhiều người vẫn thích các hệ thống hiện hành hơn.
  • Quy định và kết hợp: Các hệ thống dựa trên nền tảng Blockchain sẽ phải đối mặt với những vấn đề về luật định cùng với việc tốn kém thời gian và chi phí trong vấn đề phối hợp với các hệ thống hiện hành. Các chính phủ và ngân hàng phản đối thay đổi vì quy mô và chi phí thay thế hệ thống hiện thời quá lớn.
  • Đồn thổi: Có rất nhiều đồn thổi xoay quanh khả năng của các hệ thống dựa trên nền tảng Blockchain. Blockchain chỉ là một hình thức dữ liệu mới, không phải một giải pháp quyền năng như thường bị phóng đại. Công nghệ này cũng chưa được kiểm chứng trên quy mô lớn hoặc các ứng dụng thực tiễn khác ngoài lĩnh vực tiền mã hóa.

Đừng quên đăng ký Otis Report - Nơi cung cấp và cập nhật nhanh nhất mọi thông tin vĩ mô và phương pháp đầu tư tăng trưởng với giá trị vượt thời gian.

Hãy đăng ký và tham gia các nhóm, channel của Otis Report dưới đây để được thảo luận cùng các chuyên gia và nhiều Otiser khác:

Bạn đã đăng ký thành công Otis Report
Xác minh thành công! Giờ đây, bạn đã có toàn quyền truy cập vào tất cả nội dung cao cấp của Otis Report.
Lỗi! Không thể đăng ký. Liên kết không hợp lệ.
Chào mừng trở lại! Bạn đã đăng nhập thành công.
Lỗi! Không thể đăng nhập. Vui lòng thử lại.
Thành công! Tài khoản của bạn đã được kích hoạt hoàn toàn, bây giờ bạn có quyền truy cập vào tất cả nội dung.
Lỗi! Kiểm tra Stripe thất bại.
Thành công! Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.
Lỗi! Cập nhật thông tin thanh toán không thành công.