Khi nói đến token không thể thay thế (các NFT), nghệ thuật và vật phẩm sưu tầm là những điều không thể không nhắc tới. Những token độc đáo này đang tạo ra trào lưu mới và doanh số bán hàng khổng lồ cho các nhà thiết kế đồ họa và nghệ sĩ thị giác. Câu chuyện bán NFT của nghệ sĩ Beeple là một trong những trường hợp nổi tiếng nhất.

1. NFT là gì?
Non-fungible Token (NFT) hay “token không thể thay thế”, là một loại tài sản mã hóa đại diện cho một thứ gì đó độc nhất và có thể sưu tầm được. Đây có thể là tài sản hoàn toàn kỹ thuật số hoặc là phiên bản token hóa của tài sản trong thế giới thực. Do các NFT không thể thay thế cho nhau, nên chúng có thể hoạt động như bằng chứng về tính xác thực và quyền sở hữu trong lĩnh vực kỹ thuật số.
Nói một cách đơn giản, token không thể thay thế không thể bị làm giả hoặc sao chép. Nếu chúng ta xem xét định nghĩa về khả năng thay thế , chúng ta có thể tìm hiểu thêm một số điều làm cho NFT trở nên đặc biệt:
Tính có thể thay thế là khả năng của một tài sản giúp nó có thể hoán đổi cho nhau và hoán đối với các tài sản cùng loại.
Ví dụ, một bitcoin này hoàn toàn có thể đổi cho một bitcoin khác. Tuy vậy, một thẻ NFT lại không thể hoán đổi cho một thẻ khác vì chỉ có một thẻ như vậy tồn tại.
2. Những đặc tính của NFT
- Tính độc nhất: mỗi NFT lại mang một tính chất riêng, khiến chúng khác biệt so với những NFT khác.
- Tính khan hiếm: mỗi NFT là duy nhất, không thể thay thế bằng bất cứ hình thức nào khác, và có thể có hạn chế về số lượng. Đây là lý do chính tạo nên giá trị cho các NFT. Ví dụ: các món đồ càng độc đáo, khan hiếm thì giá trị càng cao, như các bức tranh được vẽ bởi những họa sĩ nổi tiếng, hay như những tài sản kỹ thuật số như vật phẩm trong game, …
- Tính không thể tách rời: một đặc tính đặc biệt của NFT là không thể chia NFT dưới bất kỳ hình thức nào. Mỗi NFT đại diện cho chính nó. Ví dụ: bạn có thể chia 1 BTC thành 2 phần 0.5 BTC, hay 4 phần 0.25 BTC, nhưng bạn không thể làm vậy với NFT.
- Không cần được cấp phép: NFT thừa hưởng đặc tính của những blockchain mở, khiến nó có thể được truy cập tùy ý.
- Khả năng lưu trữ vĩnh cửu: NFT có thể được lưu trữ rất lâu, thậm chí có khả năng tồn tại mãi mãi trên các blockchain.
- Có thể lập trình: khi đã xuất hiện trên blockchain, NFT đơn giản chỉ là những đoạn code. Nhưng đây là điểm đặc biệt của NFT, vì bạn hoàn toàn có thể kiểm tra quyền sở hữu của một NFT bất kỳ lúc nào.
3. Các tiêu chuẩn NFT (NFT Standard)
Nói về chuẩn phát hành, thông thường ở Ethereum Blockchain, các token phổ biến ở ERC-20. Nhưng ở NFT, rất nhiều chuẩn được áp dụng, và nổi bật nhất là ERC-721 và ERC-1155:
- ERC-721: Với mỗi một NFT token mới, nhà phát triển phải triển khai một smart contract mới, điều này gây ra lãng phí tài nguyên và tốn công xây dựng. Ứng dụng: CryptoKitities, CryptoPunks,...
- ERC-1155: Đây là thế hệ cải tiến mới hơn nhưng chưa được phổ biến. Với ERC-1155, nhà phát triển có thể tạo ra cả Fungible và Non-fungible token trong 1 smart contract duy nhất và có thể tạo ra vô số token trên một contract. Ứng dụng: NFT trên nền tảng Enjiin.
Binance Smart Chain (BSC) cũng có các tiêu chuẩn NFT riêng: BEP-721 và BEP-1155, hay DEGO sử dụng chuẩn ERC90. Thậm chí Flow Blockchain và Tezos cũng hỗ trợ NFT. NBA Top Shot (những NFT từ giải bóng rổ nhà nghề Mỹ) đang sử dụng Flow Blockchain. Trong tương lai, CryptoKitties cũng có kế hoạch chuyển từ Ethereum sang Flow blockchain.
4. NFT dùng để làm gì?
NFT có tất cả các hình dạng, kích thước và rất nhiều trường hợp có thể sử dụng. Các NFT nghệ thuật đơn thuần có khả năng ứng dụng khá hạn chế so với các NFT khác. Tất nhiên, bạn có thể giao dịch chúng, nhưng NFT của một bức ảnh không khác nhiều so với một bức ảnh bình thường, nếu so về mặt tiện ích.
Tuy nhiên, một số NFT có công dụng thực tế trong các trò chơi, như CryptoKitties - trò chơi cực kỳ nổi tiếng trên chuỗi Ethereum . Trong trường hợp của trò chơi này, một con mèo sưu tập có thể lai tạo để truyền những đặc điểm của nó sang những con mèo mới.

Hiện nay, NFT chủ yếu phục vụ mục đích sưu tầm, trao đổi, như các tác phẩm nghệ thuật, vật phẩm trong game, âm nhạc, …
5. Giá trị thực sự của NFT?
Việc xác định giá trị của một NFT phụ thuộc vào những gì nó đại diện. Các sản phẩm nghệ thuật mã hóa thực chất cũng không có gì khác các sản phẩm nghệ thuật khác. Chúng ta cần cân nhắc những yếu tố như ai đã tạo ra nó, giá trị nghệ thuật của tác phẩm và nhu cầu từ những nhà sưu tập.
Ví dụ như dòng tweet đầu tiên của Jack Dorsey đã được Sina Estavi - CEO Bridge Oracle mua lại với giá 1.630,58 ETH - tương đương 5 triệu đô la tại thời điểm viết bài.
just setting up my twttr
— jack⚡️ (@jack) 21 tháng 3, 2006
Đối với suy nghĩ của nhiều người thì NFT đang là một hình thức, một nền tảng để bảo vệ quyền sở hữu cho những nghệ sĩ, những tác giả vốn đã chịu nhiều thiệt thòi về vấn đề bản quyền, sở hữu. Tuy nhiên, cũng xuất hiện những suy nghĩ trái chiều khác về giá trị của NFT, như đây là một hình thức để chi phối, thao túng giá trị hay là một cách để thực hiện những giao dịch ẩn danh mà không cần lo tới những ràng buộc về mặt pháp lý.
Hãy cùng xem qua một ví dụ về “thuyết âm mưu” mà một người dùng trên Twitter đã từng đưa ra:
- Đầu tiên, hãy cố gắng tạo ra một NFT độc đáo, hợp thị hiếu và xu hướng nhất có thể, sau đó đưa NFT đó lên marketplace.
- Sử dụng chính tiền của mình để mua lại, hay giao dịch NFT đó, nhằm tạo ra những mức giá “ảo” cũng như thu hút sự chú ý của cộng đồng.
- Khi NFT đó đã thu hút đủ sự chú ý, bất ngờ đưa ra một mức giá “hời” nhằm có được người mua thực sự.
- Khi đó, người mua sau đã rơi vào bẫy của những con “cá mập”. Họ có được cái “mác” mua được một NFT trị giá $100,000 với giá “hời” $20,000. Tuy nhiên, sau đó họ không thể bán lại NFT đó cho bất kỳ ai nữa.
Từ ví dụ trên, có thể thấy, sự minh bạch và giá trị thực của một NFT vẫn cần được xác minh bởi nhiều yếu tố. Tuy nhiên, ở thời điểm này, nó quá dễ để bị thao túng bởi những “tay to” trong thị trường.
Một số người cho rằng, để sở hữu một NFT dạng hình ảnh, họ thậm chí còn không cần phải bỏ tiền ra, mà chỉ cần thao tác “Save as” đơn giản để lưu NFT đó về máy tính của mình. Hay thậm chí họ còn có thể sao chép NFT từ một blockchain này sang một blockchain khác.
Tất nhiên, việc sao chép như vậy hoàn toàn không mang lại giá trị thực sự nào cho phiên bản NFT “giả mạo” đó. Hơn nữa, các nhà phát triển hiện nay cũng đã cho ra mắt những công cụ giúp người dùng có thể kiểm tra xem NFT này đã bị sao chép hay chưa, ví dụ như tính năng kiểm tra nguồn NFT của đội ngũ RMRK, hay Tineye cũng là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc rà soát nguồn của các NFT.
6. Tổng kết
Công nghệ NFT này mới chỉ xuất hiện vào năm 2017 và vẫn còn ở trạng thái sơ khai. Lợi ích của NFT sẽ tăng khi nên có thêm những trải nghiệm kĩ thuật số được xây thêm, ví dụ như Marketplace, Mạng xã hội, Triển lãm, Game, Thực tế ảo. Cũng có khả năng, các sản phẩm Game truyền thống hiện nay sẽ thu hút thêm người dùng với việc thêm vào các NFT.
Cuối cùng, cần lưu ý rằng trước khi bắt đầu đầu tư tiền vào các token này, hãy đảm bảo rằng bạn hiểu chính xác những gì bạn đang tham gia và cách sử dụng chúng.
Đừng quên đăng ký Otis Report - Nơi cung cấp và cập nhật nhanh nhất mọi thông tin vĩ mô và phương pháp đầu tư tăng trưởng với giá trị vượt thời gian.
Hãy đăng ký và tham gia các nhóm, channel của Otis Report dưới đây để được thảo luận cùng các chuyên gia và nhiều Otiser khác:
- Theo dõi Otis Podcast - Những góc nhìn thú vị về thị trường
- Đăng ký kênh YouTube Otis Report - Các video chia sẻ kinh nghiệm đầu tư
- Otis Telegram - Chat cùng các chuyên gia và Otiser
- Group Otis Report - Cập nhật & thảo luận thông tin