Đây là Phần cuối trong chuỗi bài Cách để tạo nên Tài sản, được dịch từ bài luận How to Make Wealth của Paul Graham, giám đốc quỹ đầu tư mạo hiểm Y Combinator có giá trị khoảng 80 tỷ USD. Quỹ này chuyên đầu tư vào các Startup và những thương vụ thành công của quỹ gồm: Airbnb, 9GAG, Circle K, Dropbox, đồng hồ thông minh Pebble. Trong lĩnh vực Crypto, quỹ này cũng đầu tư vào các công ty như Coinbase, Opensea, Globe. Bản thân Paul Graham cũng là một tỷ phú tự thân.
Các phần khác của chuỗi bài viết này:


11. Những khó khăn
Nếu vấn đề chỉ đơn giản là làm việc chăm chỉ hơn người khác và được trả công xứng đáng thì hiển nhiên ai cũng nên đi làm startup. Họ sẽ thấy vui đến một lúc nào đó. Tôi không nghĩ rằng có ai thích sự chậm chạp của các công ty lớn, những buổi họp triền miên, những lần tán dóc lúc lấy nước hay là mấy ông quản lý không biết gì đang xảy ra.
Nhưng không may là đi làm startup cũng có nhiều sự khó khăn. Một đó là bạn không thể chọn được việc bạn phải siêng hơn bao nhiêu lần. Bạn không thể quyết định là mình chỉ làm việc chăm chỉ hơn gấp 2, 3 lần và được trả lương cao hơn gấp 2,3 lần. Khi bạn làm cho một startup, đối thủ là kẻ quyết định bạn phải siêng hơn bao nhiêu lần. Và những đối thủ đó cũng đưa ra các quyết định như bạn: họ sẽ chọn các quyết định khó.
Khó khăn thứ hai đó là mức thu nhập của bạn nhiều lúc không phụ thuộc vào năng suất của bạn. Như tôi đã nói ở trên, có rất nhiều yếu tố ngẫu nhiên quyết định sự thành bại của startup. Do đó trên thực tế nếu bạn làm siêng năng gấp 30 lần thì chưa chắc bạn đã được trả công cao thêm 30 lần. Nếu năng suất của bạn tăng gấp 30 lần, thu nhập của bạn có thể giảm về không hoặc tăng lên cả nghìn lần. Có rất nhiều startup đã thất bại, ngay cả khi đó là startup giỏi chứ không chỉ là mấy startup nhảm nhí thời bong bóng Dotcom. Chuyện này xảy ra rất thường xuyên, một startup có thể phát triển một sản phẩm vô cùng tốt, nhưng do làm hơi chậm mà họ đã mất hết tiền và phải đóng cửa.
Một startup như là một con muỗi vậy. Một con gấu có thể chịu được một cú đấm và con cua thì có lớp vỏ cứng bảo vệ nó, còn con muỗi thì cả cơ thể nó được thiết kế cho đúng 1 việc: tấn công. Không có bất kì một calo năng lượng nào được dồn cho việc phòng thủ. Nếu nhìn ở mức độ loài thì khả năng phòng thủ duy nhất của loài muỗi đó là chúng đông như châu chấu, nhưng điều đó chẳng giúp từng con muỗi cảm thấy khá hơn.
Vì vậy startup luôn nằm trong tình cảnh được ăn cả ngã về không. Bạn thường không thể biết được bạn hay đối thủ ai sẽ tắt thở trước cho đến phút cuối cùng. Viaweb đã nhiều lần rơi vào tình cảnh tưởng chừng phá sản. Đồ thị tăng trưởng của chúng tôi như là đồ thị hình sin vậy. May mắn là chúng tôi được mua lại khi còn đang ở đỉnh của chu kì, và đó là vô cùng may mắn, chậm chút nữa chắc chúng tôi đã tiêu. Khi chúng tôi đi thăm Yahoo ở California để đàm phán về việc bán mình cho họ, chúng tôi phải mượn một phòng họp để trấn an một nhà đầu tư đang rất lo lắng và đã sẵn sàng ngừng cung cấp vốn cho vòng gọi vốn sau, chúng tôi đã nói với nhà đầu tư đó rằng chúng tôi cần sống sót.
Chúng tôi quyết định bán vì việc sống hoặc chết là thứ chúng tôi không muốn. Các lập trình viên ở Viaweb vô cùng ngại gặp rủi ro. Nếu có cách nào mà chúng tôi có thể làm việc siêu chăm chỉ và được trả tiền, mà không có yếu tố may mắn ở trong đó, thì chúng tôi đã rất vui. Chúng tôi thà chấp nhận lựa chọn 100% được nhận 10 triệu USD hơn là lựa chọn có 20% được nhận 100 triệu USD, dù lựa chọn thứ hai có giá trị cao cấp mười lần. Thật tiếc thay, hiện nay trong giới kinh doanh không ai cho bạn lựa chọn số 1 cả.
Thứ duy nhất bạn có thể đạt cho gần giống lựa chọn số 1 đó là bán startup của bạn ở giai đoạn đầu, như thế từ bỏ toàn bộ lợi nhuận tiềm năng khổng lồ (cũng như rủi ro) để đổi lấy một khoản tiền nhỏ nhưng chắc chắn. Chúng tôi từng có thời gian làm như thế nhưng ngu ngốc thay chúng tôi đã bỏ qua nó. Sau đó chúng tôi liên tục rao bán mình. Trong những năm sau, nếu ai đó chỉ cần quan tâm một chút đến Viaweb chúng tôi sẽ lập tức cố gắng tiếp cận và bán thân cho họ. Nhưng nếu không ai hào hứng cả thì chúng tôi cứ phải làm tiếp thôi.
Giá mua một startup giai đoạn đầu khá là rẻ, nhưng mà mấy công ty quan tâm đến việc mua startup thì không quan tâm đến chuyện rẻ. Một công ty đủ lớn để bỏ tiền ra mua startup thì cũng thường sẽ rất là cẩn trọng, và những người lãnh đạo cấp trên có quyền quyết định có nên mua lại hay không là cẩn trọng nhất do họ thường tham gia vào công ty sau này sau khi tốt nghiệp khóa thạc sĩ quản trị kinh doanh ở đại học. Mấy người này sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền để mua sự chắc chắn. Do đó các startup sẽ dễ bán mình khi đã trưởng thành hơn là giai đoạn đầu, cho dù giá lúc đó có mắc hơn nhiều.
12. Kiếm được người dùng
Tôi nghĩ sẽ là một ý hay nếu bạn bán công ty của bạn đi nếu có thể. Vận hành một công ty thì khác rất nhiều so với phát triển nó. Bạn nên để một công ty khác đảm nhiệm việc vận hành công ty của bạn sau khi bạn đã đưa nó phát triển hết mức. Về mặt tài chính nó cũng tốt hơn bởi vì bán đi giúp bạn đa dạng hóa nguồn tài chính cá nhân. Bạn sẽ nghĩ gì khi thấy một nhà đầu tư bỏ hết tiền của khách hàng vào đúng một cổ phiếu?
Mà làm sao bạn có thể khiến tập đoàn lớn mua được bạn? Bằng cách làm những thứ mà bạn vẫn thường làm khi chưa có ý định bán. Ví dụ như là kiếm được lợi nhuận. Nhưng thuyết phục được người khác mua công ty của bạn cũng là một nghệ thuật và bạn phải dành rất nhiều thời gian để làm chủ được bộ môn này.
Những người mua tiềm năng sẽ luôn có gắng làm chậm thương vụ này nhất có thể. Việc khó nhất trong thương vụ mua bán là khiến người mua đưa ra được hành động. Đối với các nhà đầu tư, động lực mạnh nhất khiến họ quyết định mua không phải là hi vọng thu được lời mà là nỗi sợ bị mất. Các bên mua luôn sợ rằng đối thủ sẽ mua công ty của bạn. Đấy là cái thứ mà theo kinh nghiệm của chúng tôi khiến tóc CEO bạc đi. Mối lo lớn nhất thứ hai mà họ có đó là họ sợ nếu họ không mua bạn bây giờ, bạn sẽ cứ phát triển nhanh chóng và giá trị công ty bạn sau này sẽ tăng cao hơn nữa.
Trong cả hai trường hợp, mọi vấn đề là về số lượng người dùng. Bạn sẽ thường nghĩ rằng một công ty muốn mua bạn sẽ nghiên cứu rất nhiều về bạn và quyết định xem giá trị công nghệ bạn có là bao nhiêu. Không phải đâu. Họ chỉ quan tâm xem bạn có bao nhiêu người dùng.
Trên thực tế, những nhà đầu tư đều đặt ra giả định đó là khách hàng luôn lựa sản phẩm tốt nhất cho họ. Điều này nghe thì ngu ngốc nhưng không phải vậy đâu. Người dùng là bằng chứng duy nhất cho thấy bạn đã tạo ra một thứ của cải tài sản có giá trị. Của cải tài sản là thứ con người muốn, và nếu mọi người không dùng sản phẩm của bạn, đôi lúc đó không phải là vì bạn làm marketing dở. Đôi lúc đó là vì thứ bạn tạo ra không phải là thứ người dùng muốn.
Mấy nhà đầu tư mạo hiểm có một danh sách dài các dấu hiệu ở một startup mà họ cần phải né. Đứng gần đầu danh sách là mấy công ty tạo ra bởi mấy tay mê kỹ thuật muốn giải quyết một vấn đề kỹ thuật hóc búa nhưng chẳng có ích gì cho người dùng.
Trong một Startup bạn không chỉ đang giải quyết một vấn đề. Bạn đang cố gắng giải quyết một vấn đề mà người dùng quan tâm.
Do đó tôi nghĩ bạn nên cho người dùng xài thử sản phẩm, giống như bạn cho phép những người muốn mua bạn thử vậy. Hãy coi startup như là một bài toán tối ưu trong đó tham số quan trọng là số lượng người dùng. Bất cứ ai cố gắng tối ưu phần mềm máy tính đều biết, điểm cốt lõi là số đo. Khi bạn cố gắng đoán xem phần mềm của bạn chậm chỗ nào hay điều gì sẽ làm nó nhanh, phần lớn sự phán đoán của bạn đều là sai.
Số lượng người dùng không phải là phép thử tốt nhất nhưng gần như là vậy. Đó là thứ nhà đầu tư quan tâm. Đó là thứ doanh thu phụ thuộc vào. Đó là thứ khiến đối thủ mất ngủ. Đó là thứ gây ấn tượng với truyền thông và người dùng tiềm năng. Rõ ràng đó là phép thử tốt hơn nhiều so với danh sách các về bạn sẽ giải quyết, cho dù trình độ công nghệ của bạn tốt thế nào.
Ngoài ra việc coi startup là một bài toán tối ưu giúp bạn né được một sai lầm mà các VC luôn lo lắng một cách hợp lý: dành quá nhiều thời gian để phát triển sản phẩm. Bây giờ chúng tôi đã hiểu được điều này. Hãy tung ra phiên bản 1.0 càng sớm càng tốt. Nếu bạn không có đánh giá từ khách hàng, bạn đang tối ưu dựa trên sự đoán mò.
Điều quan trọng nhất mà bạn phải luôn quan tâm đó là của cải tài sản là thứ mọi người muốn. Nếu bạn muốn giàu bằng cách tạo ra của cải tài sản, bạn phải biết người dùng muốn gì. Có quá ít doanh nghiệp thực sự quan tâm đến việc làm khách hàng hài lòng. Bao nhiêu lần bạn bước vô một cửa hàng, hay gọi điện đến bộ phận chăm sóc khách hàng của công ty, với một sự lo lắng trong đầu? Khi bạn nghe câu nói "cuộc gọi của bạn rất quan trọng với chúng tôi, xin hãy giữ máy", bạn có cảm thấy rằng: ồ giờ thì chắc mọi chuyện ổn thôi.
Một nhà hàng phục vụ cả nghìn người đôi lúc sẽ làm cháy một món. Nhưng trong công nghệ, bạn chỉ nấu có đúng một món và tất cả người dùng đều ăn món đó. Do đó sự khác biệt giữa những gì người dùng muốn và bạn làm ra nó tăng theo cấp số nhân. Hoặc là bạn làm hài lòng phần lớn, hoặc là bạn khiến phần lớn bỏ bạn. Bạn càng đi đến gần việc tạo ra thứ họ muốn thì bạn càng tạo ra nhiều của cải tài sản.
13. Của cải tài sản và quyền lực
Tạo ra của cải không phải là cách duy nhất để trở nên giàu có. Phần lớn trong lịch sử loài người, đây không phải là cách làm phổ biến. Chỉ vài thế kỷ trước, nguồn gốc của cải đến từ các hầm mỏ, nô lệ, nông nô, đất, súc vật và cách để mà mọi người chiếm lấy những thứ này đó là thông qua sự thừa kế, hôn nhân, chinh phục hoặc là chính quyền tổ chức tịch thu. Nói chung của cải và tài sản là thứ không có gì tốt lành.
Có hai thứ thay đổi. Thứ nhất đó là chế độ pháp trị. Xuyên suốt lịch sử loài người, nếu bạn vì lý do nào đó tìm ra cách tích lũy của cải, thì mấy người cai trị hoặc tay sai của hắn sẽ tìm cách lấy đi của bạn. Nhưng ở châu Âu thời trung cổ có một chuyện đã xảy ra. Một nhóm người thương nhân và chủ nhà máy sản xuất đã tập trung vào các thị trấn. Hợp lực với nhau họ chống lại được các địa chủ. Lần đầu tiên trong lịch sử những kẻ chuyên bắt nạt đã không thể ăn cắp tiền của những người khác. Và như một lẽ hiển nhiên, điều này lan rộng ra và trở thành yếu tố chính thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp, sự thay đổi lớn thứ hai.
Đã có rất nhiều tài liệu nói về cuộc Cách mạng Công nghiệp. Nhưng điều cốt lõi nhất mà chúng ta cần nhớ đó là những người làm ra của cải tài sản bây giờ đã có thể thoải mái tận hưởng chúng. Đây là điều kiện bắt buộc để xã hội phát triển. Một bằng chứng cho điều này đó là những gì đã xảy ra ở các quốc gia cố gắng tịch thu của cải của người dân, ví dụ như Liên Bang Xô Viết, hay ở mức độ thấp hơn là Liên hiệp Vương quốc Anh vào những năm 1960 đến đầu thập niên 1970. Tước bỏ đi động lực tích lũy của cải tài sản, sự phát triển công nghệ hoàn toàn bị chững lại. Hãy nhớ rằng một startup, nếu nhìn về mặt kinh tế, là một nơi để cho bạn làm việc nhanh hơn. Thay vì tích lũy tiền bạc của cải một cách chậm chạp nhờ tiền lương suốt 50 năm, bạn muốn đẩy tốc độ đó lên càng nhanh càng tốt. Do đó khi chính phủ cấm bạn tích lũy tài sản thì không khác gì việc họ nói rằng bạn hãy làm việc chậm lại. Họ cho phép bạn kiếm 3 triệu USD trong 50 năm nhưng không cho phép bạn kiếm từng đó tiền trong 3 năm nếu bạn làm việc chăm chỉ hơn. Họ giống như mấy sếp trong các tập đoàn lớn mà bạn không thể đến gặp và nói: tôi muốn làm việc chăm chỉ gấp 10 lần, hãy trả lương cho tôi cao gấp 10 lần. Có điều là ông chủ này không cho bạn trốn thoát và lập công ty mới.
Vấn đề với việc làm việc chậm đó là nó không chỉ làm sự phát triển của công nghệ chậm lại. Nó khiến cho công nghệ dừng phát triển hoàn toàn. Chỉ khi nào bạn thực sự chủ động cố gắng giải quyết một vấn đề khó khăn như là cách tận dụng tốc độ làm lợi thế lớn nhất, thì khi đó bạn mới làm những dự án kiểu này. Phát triển công nghệ mới đem lại đủ thứ đau khổ, nỗi buồn, dằn vặt cho người làm. Edison từng nói rằng để làm được điều đó cần 1% niềm tin và 99% mồ hôi. Nếu không có động lực thu lợi lớn từ tài sản của cải, không ai sẵn sàng chấp nhận chịu từng đó đau khổ. Các kỹ sư sẽ phát triển các công nghệ lớn nghe ngầu như máy bay chiến đấu hay tàu vũ trụ nhưng những công nghệ bình thường hơn như bóng đèn hay chíp bán dẫn rất cần những doanh nhân bắt tay vào làm.
Startups không chỉ là thứ chỉ xảy ra ở Silicon Valley trong các thập kỷ qua. Kể từ khi mọi người thấy rằng họ có thể làm giàu từ việc tạo ra của cải, những ai cố gắng làm đều theo một công thức: số đo và đòn bẩy, trong đó số đo đến từ công ty quy mô nhỏ và đòn bẩy đến từ công nghệ mới. Công thức này giống như là cách người Florence làm những năm 1200 và Santa Clara làm hiện nay.
Hiểu được điều này sẽ giúp giải đáp được các câu hỏi lớn hơn: tại sao châu Âu lại phát triển mạnh như thế. Có phải là vì vị trí của lục địa này? Hay đó là do người châu Âu thông minh hơn? Hay là do tôn giáo của họ? Câu trả lời (hay là thứ gần đúng với sự thật nhất) có thể là vì người châu Âu đã vươn lên từ một quy định: cho phép những ai kiếm được nhiều tiền giữ số tiền ấy.
Khi bạn cho phép mọi người làm điều đó, những người muốn trở nên giàu có sẽ tạo ra tài sản thay vì đi ăn cướp. Kết quả đó là sự phát triển công nghệ không chỉ giúp tạo ra nhiều của cải mà còn giúp thúc đẩy công nghệ quân sự phát triển. Đã có giả thiết đặt ra rằng các nhà toán học Xô Viết là người tìm ra cách sản xuất máy bay tàng hình. Nhưng Liên Bang Xô Viết không có ngành công nghiệp máy tính, do đó đối với họ nó mãi chỉ là lý thuyết, họ không có các thiết bị điện tử hiện đại đủ mạnh và nhanh để giúp tạo ra thiết kế cho một chiếc máy bay thực.
Nhìn theo góc độ đó, Chiến Tranh Lạnh dạy chúng ta bài học giống như Thế Chiến Thứ Hai. Đó là đừng để một nhóm quân sự và chính trị gia đè bẹp các doanh nhân. Công thức giúp những cá nhân trở nên giàu có cũng sẽ giúp quốc gia đó giàu có theo. Hãy để những doanh nhân giữ tiền của họ, và bạn sẽ thống trị thế giới.
Đừng quên đăng ký Otis Report - Nơi cung cấp và cập nhật nhanh nhất mọi thông tin vĩ mô và phương pháp đầu tư tăng trưởng với giá trị vượt thời gian.
Hãy đăng ký và tham gia các nhóm, channel của Otis Report dưới đây để được thảo luận cùng các chuyên gia và nhiều Otiser khác:
- Theo dõi Otis Podcast - Những góc nhìn thú vị về thị trường
- Đăng ký kênh YouTube Otis Report - Các video chia sẻ kinh nghiệm đầu tư
- Otis Telegram - Chat cùng các chuyên gia và Otiser
- Group Otis Report - Cập nhật & thảo luận thông tin