Ghi chú: Bảng thuật ngữ sau đây dựa theo ý hiểu của Otis Report và chú giải của Oleg Andreev, nhà thiết kế phần mềm và chuyên gia về Bitcoin.
Bạn có thể sử dụng phím tắt Ctrl + F và nhập từ khóa để tìm kiếm nhanh hơn và chính xác hơn. Nếu thuật ngữ bạn cần không có trong danh sách thì hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận, chúng tôi sẽ cập nhật sớm nhất!
Bitcoin (chữ B in hoa)
Bitcoin với chữ B in hoa dùng khi đề cập đến Blockchain, các giao thức và mạng thanh toán tiền mã hóa.
Với tư cách một giao thức, Bitcoin là một tập hợp luật định mà mọi khách hàng phải tuân thủ để chấp nhận giao dịch và các giao dịch của chính nó được các khách hàng khác chấp nhận.
Với tư cách một mạng lưới, Bitcoin là toàn bộ các máy tính phải tuân thủ cùng một bộ luật đồng thời trao đổi các giao dịch và khối với nhau.
Các giao dịch được máy tính trong mạng lưới xử lý với nhau (Mô hình ngang cấp), không tồn tại một tổ chức, chính phủ hay ngân hàng trung tâm để ban hành hay quản lý giao dịch.
bitcoin (chữ b viết thường)
Khi bitcoin với chữ b viết thường, chủ yếu được dùng để chỉ các đơn vị của bitcoin, chẳng hạn "truyền 0,5 bitcoin". Tổng số bitcoin được giới hạn trong con số 21 triệu.
Airdrop
Một cách để quảng bá tiền điện tử bằng cách gửi một số mã thông báo (token) miễn phí cho các nhà giao dịch
All Time High (ATH)
Điểm cao nhất (có thể là về giá hoặc vốn hóa) mà một đồng tiền mã hóa, một cổ phiếu... đạt được trong lịch sử.
Ví dụ: ATH của Bitcoin là $64,804.
All Time Low (ATL)
Điểm thấp nhất (có thể là về giá hoặc vốn hóa) mà một đồng tiền mã hóa, một cổ phiếu... đạt được trong lịch sử.
Ví dụ: ATL của Bitcoin là $67.81.
Altcoin
Altcoin là khái niệm dành cho những đồng tiền điện tử thay thế cho Bitcoin. Chúng được ra đời sau nhưng phát triển dựa trên ý tưởng về công nghệ của đồng Bitcoin nhưng được cải thiện hơn về một số tính năng.
Altcoin bắt đầu xuất hiện từ giữa 2010 và tính đến nay đã có hơn 5,000 loại altcoin khác nhau.
Ask Me Anything (AMA)
Hỏi tôi bất cứ điều gì đề cập đến các hành động mà các cá nhân trong một số ngành nghề nhất định (ví dụ: lính cứu hỏa, y tá, nhà báo) hoặc công ty (ví dụ: CEO của Tesla) tiến hành một phiên để người dùng đặt câu hỏi cho họ.
Aggregator
Aggregator là một nền tảng tổng hợp nhiều tính năng khác nhau. Ví dụ như vừa có thể swap, vừa lending,…
Algorithmic Stablecoin
Algorithmic Stablecoin (hay Stablecoin thuật toán) là một mô hình Stablecoin kiểu mới, với cơ chế giữ giá tại $1 dựa vào thuật toán chứ không phải tài sản phía sau hỗ trợ.
Dự án nổi bật và cũng là người dẫn đầu cho xu hướng Algorithmic Stablecoin là Ampleforth (AMPL).
Khối (Block)
Một khối là một hồ sơ trên Blockchain có chứa dữ liệu về giao dịch và thông tin để xác nhận là một phần hợp lệ của Blockchain.
Các khối có chứa một tiêu đề khối, các giao dịch, nhãn thời gian, bằng chứng xử lý, một hồ sơ của khối liền trước và những giao dịch mới chưa được ghi lên Blockchain.
Một khối lập hồ sơ vĩnh viễn các giao dịch và dữ liệu nó chứa trên Blockchain. Mỗi khối chứa thông tin về các khối trước đó, tạo nên một chuỗi liên kết các khối.
Trên Blockchain Bitcoin, một khối giao dịch mới được thêm vào cứ mỗi 10 phút.
Chiều cao khối
Chiều cao khối là số khối kết nối với khối đó trên Blockchain.
Chiều cao khối bằng 0 tức là khối đầu tiên, hay còn gọi là "khối nguyên thủy" trên Blockchain. Chiều cao của khối sau "khối nguyên thủy" là số khối trong chuỗi nằm giữa khối đó và khối nguyên thủy.
Phần thưởng khối
Phần thưởng khối được trao cho thợ đào đã xử lý thành công một giao dịch và băm được khối giao dịch đó. Phần thưởng thường là một lượng nhỏ tiền mã hóa được thanh toán cho thợ đào. Phần thưởng này tùy thuộc vào loại tiền mã hóa và biến đổi với độ khó tăng lên và phần thưởng khối giảm đi theo thời gian. Nhờ trao phần thưởng cho thợ đào, mọi người được khuyến khích đóng góp công suất tính toán vào mạng lưới, từ đó gia tăng độ bảo mật và giảm bớt thời gian xử lý, tạo nên mạng lưới nhanh hơn và an toàn hơn.
Blockchain
Một sổ cái phân tán, công khai và dùng chung chứa toàn bộ các giao dịch đã được kiểm nhận. Một khối chứa một tập hợp các giao dịch vừa được kiểm nhận và một chỉ dẫn tới khối liền trước.
Nhờ có chỉ dẫn tới khối liền trước, các khối được liên kết lại với nhau, từ đó tạo nên một chuỗi.
Mọi người có quyền truy cập đều có thể truy ngược các giao dịch và các khối trên Blockchain về tới khối đầu tiên, hay còn gọi là khối nguyên thủy.
Một Blockchain được cập nhật bằng cách khai thác các khối với các giao dịch mới. Các giao dịch không được xác nhận sẽ không trở thành một phần trong Blockchain.
BTC
Đây là mã tiền mã hóa nổi tiếng nhất đại diện cho 1 Bitcoin, tương tự như USD của đồng đô la Mỹ hoặc nhiều mã tiền phổ biến khác.
Giao dịch được xác nhận
Một giao dịch được xác nhận là một giao dịch đã được xử lý, được mạng lưới xác thực và được đưa vào trong Blockchain. Giao dịch được xác nhận thông qua khai thác hoặc bằng chứng xử lý trong mạng lưới tiền mã hóa như Bitcoin. Khi một giao dịch được xác nhận, sẽ không có khả năng đảo chiều giao dịch đó; tuy nhiên, số xác nhận sẽ xác định thay đổi của một giao dịch bị từ chối hay đảo chiều. Vui lòng xem phần Số xác nhận.
Số xác nhận
Số xác nhận là thước đo xác suất một giao dịch có thể bị từ chối khỏi chuỗi chính. "Xác nhận 0" tức là một giao dịch không được xác nhận (trong bất kỳ khối nào). "Xác nhận 1" tức là giao dịch được đưa vào khối mới nhất trong chuỗi chính. "Xác nhận 2" là giao dịch được đưa vào khối ngay sau khối mới nhất. Xác suất một giao dịch bị đảo chiều (giao dịch lặp chi) giảm theo hàm số mũ khi có nhiều khối hơn được bổ sung vào trên đó.
Blockchain liên hợp
Một Blockchain liên hợp là Blockchain nằm giữa Blockchain cá nhân và công khai. Blockchain liên hợp phi tập trung một phần nhưng việc xác thực của khối được hoàn thiện bởi một nhóm tuyển chọn các thợ đào. Một Blockchain liên hợp chấp nhận các giao dịch cá nhân và hữu hiệu mà không trao toàn quyền kiểm soát cho một tổ chức hoặc cá nhân.
Tiền ảo/Tiền mã hóa/Tiền điện tử
Tiền mã hóa là một loại tiền tệ kỹ thuật số không do chính phủ, ngân hàng trung tâm hay tổ chức nào đó ban hành. Sự kết hợp của từ cryptography (mật mã học) và currency (tiền tệ) thành từ cryptocurrency (tiền mã hóa), loại tiền này được tạo nên và vận hành nhờ áp dụng các kỹ thuật mã hóa và toán học.
Hàm băm mật mã học
Một hàm băm mật mã học là một phương thức mã hóa giúp ẩn giấu dữ liệu theo cách mà khiến cho việc giải mã trở nên bất khả thi khi không có quyền truy cập. Một thuật toán máy tính nhận bất cứ một lượng hoặc độ dài dữ liệu đầu vào nào rồi tạo ra một dữ liệu xuất có độ dài không đổi được gọi là "hàm băm" của dữ liệu. Nó có thể được dùng để dễ dàng xác thực rằng dữ liệu đã không bị thay đổi. Bất kể độ dài thông điệp hay kích thước đầu vào, dữ liệu đầu ra sẽ luôn có cùng độ dài. Một thay đổi nhỏ trong đầu vào sẽ khiến dữ liệu đầu ra và giá trị băm thay đổi hoàn toàn. Mã băm sinh ra ngẫu nhiên và vì thế việc cố gắng tạo ra một mã băm đặc biệt bằng cách thay đổi dữ liệu được băm là tuyệt đối khó khăn.
Mật mã học
Mật mã học là lĩnh vực toán học tập trung vào hoạt động mã hóa, bảo mật dữ liệu. Mật mã học là nền tảng của tiền mã hóa, cho phép thiết lập, quản lý và bảo mật mạng lưới.
Ứng dụng phi tập trung (dApps)
Các ứng dụng phi tập trung là những ứng dụng mã nguồn mở, không chịu sự kiểm soát của một cá nhân hay đối tượng nào và chạy trên một Blockchain phân tán hoặc mạng lưới máy tính. Các ứng dụng phi tập trung không có máy chủ trung tâm, các thành viên kết nối với nhau thông qua các kết nối đồng cấp.
Độ khó
Độ khó là thước đo để xác nhận khối mới trong mạng lưới Blockchain khó khăn đến mức nào. Trong Bitcoin, đó là chỉ tiêu lớn nhất được chia ra từ chỉ tiêu hiện tại. Độ khó của Bitcoin được điều chỉnh sau mỗi 2,016 khối căn cứ theo thời gian sử dụng để xác nhận 2,016 khối trước đó. Độ khó được điều chỉnh để đảm bảo khả năng xác thực của mỗi khối được duy trì sau mỗi chu kỳ khoảng 10 phút.
Độ sâu
Độ sâu đề cập tới một điểm trên Blockchain. Một giao dịch với 6 xác nhận còn có thể gọi là "độ sâu 6 khối". Độ sâu của một giao dịch trong Blockchain càng lớn, độ tin cậy và tín nhiệm của giao dịch đó càng cao.
Giao dịch lặp chi
Giao dịch lặp chi xảy ra khi cùng một số tiền được gửi hai lần. Nếu bạn có 5 bitcoin trong ví và bạn gửi 5 bitcoin cho người khác, ngay tiếp sau bạn lại gửi 5 bitcoin đó cho một người khác nữa, đó gọi là giao dịch lặp chi. Mạng lưới Bitcoin có thể giúp tình trạng giao dịch lặp chi trở nên rất khó khăn vì mạng lưới sẽ phát hiện cả hai giao dịch, sau đó đạt tới đồng thuận rằng giao dịch nào trong đó sẽ được xác nhận và giao dịch nào bị từ chối. Chỉ một giao dịch sẽ được đưa vào Blockchain và được coi là hợp lệ. Giao dịch càng có nhiều xác nhận (độ sâu), việc giao dịch lặp chi càng khó khăn hơn. Tấn Công Quá Bán là một trường hợp khi giao dịch lặp chi xảy ra và Blockchain có thể bị thao túng. Vui lòng xem phần Tấn Công Quá Bán.
Ether
Ether là đồng tiền mã hóa được sử dụng trên mạng lưới Ethereum. Nó được coi như một hình thức thanh toán cho việc vận hành các ứng dụng phi tập trung trên mạng Ethereum. Đồng tiền mã hóa Ether là loại tiền mã hóa lớn thứ hai trên thế giới do giá trị vốn hóa thị trường chỉ đứng sau Bitcoin với giá trị trên 10 tỷ đô la.
Ethereum
Ethereum là một nền tảng cho phép các ứng dụng phân tán, phi tập trung, chẳng hạn như các hợp đồng thông minh, hoạt động trên một máy ảo trên một mạng lưới Blockchain. Mạng lưới Ethereum sử dụng đồng tiền mã hóa Ether có vai trò như một loại tiền tệ trên mạng lưới. Ether được trao đổi như một hình thức thanh toán cho việc vận hành các ứng dụng phi tập trung trên mạng lưới.
Khối nguyên thủy
Khối nguyên thủy là khối đầu tiên trên một Blockchain và không có khối nào trước đó. Trong Blockchain Bitcoin, khối đầu tiên, hay "khối nguyên thủy", ra đời vào khoảng mùng ba tháng Một năm 2009 và có chứa một trích dẫn từ một bài báo với nội dung "Tờ Times ngày 03/01/2009, Đại Pháp Quan đứng bên bờ vực phải viện trợ ngân hàng lần thứ hai" như một bằng chứng rằng không tồn tại các khối được bí mật đào trước ảnh hưởng tới Blockchain trong tương lai. Thông điệp hài hước nhắc tới lý do cho sự tồn tại của Bitcoin: tình trạng lạm phát tiền bạc liên miên do chính phủ và ngân hàng gây ra.
Sổ cái (Phân tán)
Một sổ cái phân tán là cơ sở dữ liệu trải rộng trên khắp các hệ thống máy tính, quốc gia và tổ chức khác nhau. Các hồ sơ được lưu trữ lần lượt trong một cuốn sổ cái liên tục cập nhật. Dữ liệu sổ cái phân tán có thể là "cấp quyền" hoặc "không cấp quyền". Xem thêm Sổ cái (cấp quyền) và sổ cái (không cấp quyền) dưới đây.
Sổ cái (Cấp quyền)
Một sổ cái cấp quyền là sổ cái yêu cầu quyền hạn truy cập sổ cái. Có thể có một hoặc nhiều chủ sở hữu sổ cái cấp quyền. Khi những hồ sơ mới được đưa vào sổ cái, chúng sẽ được những người có thẩm quyền kiểm tra và xác nhận. Một sổ cái cấp quyền có thể được các chính phủ hoặc ngân hàng nơi chứa nhiều dữ liệu bí mật sử dụng. Sử dụng một sổ cái cấp quyền chung nhanh hơn so với sổ cái không cấp quyền, tuy nhiên vẫn cung cấp các khối dữ liệu đã xác thực kèm chữ ký số mà mọi người có thẩm quyền đều xem được.
Sổ cái (Không cấp quyền)
Sổ cái không cấp quyền không thuộc sở hữu của cá nhân hay tổ chức nào. Bất cứ ai cũng có thể thêm dữ liệu vào sổ cái và mọi người có quyền truy cập những bản sao lưu sổ cái đầy đủ. Cách thức này tạo nên khả năng bảo vệ sổ cái khỏi những dữ liệu gian lận hoặc trái phép vì mọi người có thẩm quyền đều phải xác thực dữ liệu nhập vào sổ cái, liên tục đạt tới sự đồng thuận về sổ cái và duy trì tính toàn vẹn của sổ. Bitcoin là một ví dụ về sổ cái không cấp quyền.
Chuỗi chính
Chuỗi chính là một Blockchain chính, là dãy khối dài nhất tính từ khối nguyên thủy tới khối mới nhất.
Khai thác
Khai thác là khi công suất tính toán được sử dụng để giải đáp các vấn đề toán học đóng vai trò cho phép giao dịch được xác nhận và các khối giao dịch được bổ sung vào Blockchain. Các thợ đào đóng góp công suất tính toán và nguồn lực như điện năng vào mạng lưới Blockchain được sử dụng để kiểm nhận các giao dịch và vì họ sẽ nhận được phần thưởng khối và phí giao dịch từ việc xác thực một khối. Các đồng tiền mã hóa mới được tạo ra thông qua quá trình này vì thế nó được coi là quá trình khai thác tiền mã hóa từ mạng lưới. Khai thác Bitcoin là quá trình sử dụng phần cứng máy tính để thực hiện tính toán cho mạng lưới Bitcoin để xác thực các giao dịch. Các thợ đào thu thập phí giao dịch từ các giao dịch mà họ kiểm nhận đồng thời được thưởng bitcoin cho mỗi khối mà họ xác thực.
Tham số Nonce
Đại diện cho khái niệm "số được dùng một lần". Một số trong tiêu đề khối sẽ liên tục thay đổi để tìm ra một tham số Nonce có thể tạo một mã băm hợp lệ trong suốt quá trình tìm kiếm bằng chứng xử lý. Mỗi khi tham số Nonce thay đổi, mã băm của tiêu đề khối đều được tính lại.
Mô hình ngang cấp (P2P)
Mô hình ngang cấp là hệ thống mà trong đó các thành viên trên mạng lưới liên hệ trực tiếp với nhau mà không thông qua một hệ thống hoặc đơn vị trung gian.
Blockchain cá nhân
Blockchain cá nhân là Blockchain trong đó quyền truy cập và cấp phép thuộc về một tổ chức trung tâm. Đó có thể là chính phủ, ngân hàng hay các tổ chức khác nơi dữ liệu chứa trong Blockchain là loại dữ liệu bí mật và bị hạn chế. Hầu hết các tổ chức và chính phủ đều sử dụng hệ thống và cơ sở dữ liệu cá nhân. Một Blockchain cá nhân có thể được sử dụng với cùng chức năng như cơ sở dữ liệu nội bộ riêng tư.
Blockchain công khai
Blockchain công khai là Blockchain mọi người đều được cho phép truy cập. Bất cứ ai cũng có thể truy cập vào Blockchain, thực hiện giao dịch, xác thực giao dịch và chọn lựa khối nào sẽ được thêm vào Blockchain. Bitcoin là một ví dụ về Blockchain công khai. Blockchain công khai còn thường được dùng khi nhắc tới Blockchain phi tập trung.
Khóa cá nhân
Khóa cá nhân là mã hoặc dữ liệu cung cấp cho bạn quyền truy cập ví tiền mã hóa. Cũng như mã PIN cấp cho bạn khả năng tiếp cận số tiền trong tài khoản ngân hàng, khóa cá nhân trao cho bạn khả năng tiếp cận ví tiền mã hóa của bạn. Bạn nên giữ bí mật khóa cá nhân tương tự như cách bạn giữ bí mật mã PIN của bạn và không chia sẻ với bất cứ ai nếu không họ sẽ có thể lấy được tiền của bạn.
Khóa công khai
Khóa công khai tương tự như số tài khoản ngân hàng. Khi bạn kết hợp khóa công khai và khóa cá nhân, bạn có thể tiếp cận khoản tiền trong ví. Bạn có thể chia sẻ khóa công khai để nhận tiền vào ví đó, nhưng để truy cập vào ví, bạn cần kết hợp với khóa cá nhân.
Bằng Chứng Xử Lý (PoW)
Bằng Chứng Xử Lý là giải pháp cho mảnh ghép toán học cần có để thêm được một khối vào Blockchain. Mảnh ghép rất khó giải nhưng lại rất dễ xác minh, tương tự như bộ mã cho ổ khóa. Rất khó để đoán mã khóa là gì, nhưng ngay khi mã khóa được tìm ra, mọi người đều có thể dễ dàng sử dụng mã đó để kiểm tra xem mã khóa đó có đúng hay không. Đối với tiền mã hóa, cần nhiều công suất tính toán và nguồn lực để tạo ra bằng chứng xử lý. Trong Bitcoin, bằng chứng xử lý là mã băm của tiêu đề khối. Một khối được coi là hợp lệ chỉ khi mã băm thấp hơn chỉ tiêu hiện tại. Mỗi khối đều chỉ dẫn tới khối liền trước nhờ thế mà tích lũy được bằng chứng xử lý và hình thành nên một Blockchain.
Bằng Chứng Hoạt động (PoA)
Bằng Chứng Hoạt Động là một giải pháp thay thế cho Bằng Chứng Cổ Phần và Bằng Chứng Xử Lý. Bằng Chứng Hoạt Động đưa quyết định tạo công suất cho một hay nhiều khách hàng trên cơ sở dữ liệu có khóa cá nhân cụ thể từ đó cho phép họ thiết lập các giao dịch và các khối trên Blockchain.
Bằng chứng cổ phần (PoS)
Bằng Chứng Cổ Phần là giải pháp thay thế cho hệ thống Bằng Chứng Xử Lý và Bằng Chứng Thẩm Quyền. Bằng Chứng Cổ Phần là quá trình trong đó một lượng tiền mã hóa vốn có sẽ quyết định lượng tiền mà người sở hữu có thể khai thác. Một người giữ 5% tiền mã hóa có thể đào 5% các khối. Có nhiều công suất tính toán và nguồn lực dùng vào khai thác và quá trình Bằng Chứng Xử Lý chỉ để chứng minh rằng các nguồn lực được đóng góp vào khai thác một khối. Bằng Chứng Cổ Phần hoạt động trên giả định một người với một cổ phần tiền mã hóa sẽ không muốn cổ phần của họ mất giá, vì thế sẽ hành động vì lợi ích cao nhất của họ trong mạng lưới đồng thời tiết kiệm công suất tính toán và nguồn lực. Peercoin là đồng tiền mã hóa đầu tiên sử dụng Bằng Chứng Cổ Phần.
Satoshi
Một Satoshi là lượng Bitcoin nhỏ nhất. Cứ 1 Satoshi tương ứng với 0,00000001 bitcoin. Cái tên Satoshi được dùng để vinh danh người sáng tạo ra Bitcoin: Satoshi Nakamoto.
Satoshi Nakamoto
Satoshi Nakamoto là bút danh của người sáng tạo ra đồng Bitcoin. Vẫn chưa ai chắc chắn rằng liệu đó là một người hay một nhóm. Có nhiều giả thuyết về cá nhân và số người thực hiện Bitcoin, về quốc tịch hay độ tuổi, nhưng không ai có bằng chứng xác đáng về danh tính của họ. Vào thời điểm nội dung này được viết ra, Satoshi Nakamoto vẫn là một ẩn số.
SHA (Thuật toán mã hóa an toàn sử dụng hàm băm)
Thuật toán mã hóa an toàn sử dụng hàm băm là một loại hàm băm mật mã học được Viện Tiêu chuẩn và Kĩ thuật Quốc gia Mỹ (NIST) tạo ra như một Tiêu chuẩn Xử lý Thông tin Liên bang Mỹ (FIPS). Thuật toán mã hóa an toàn sử dụng hàm băm là một cách trong đó ngay khi dữ liệu được mã hóa, nó gần như bất khả giải đối với những ai không có quyền truy cập.
SHA 256
SHA 256 là thuật toán mã hóa an toàn sử dụng hàm băm được sử dụng trong hệ thống bằng chứng xử lý của Bitcoin. Thuật giải SHA 256 sinh ra các mã băm ổn định (32 byte) 256 bit độc nhất.
Chữ ký
Một chữ ký trong tiền mã hóa là một cách thức toán học dùng để chứng minh quyền sở hữu, quyền truy cập quỹ tiền và thực hiện giao dịch. Trong Bitcoin, một khóa cá nhân buộc phải tương thích với một khóa công khai để đánh dấu một giao dịch. Mạng Bitcoin có thể xác nhận khóa cá nhân và khóa công khai tương thích trên một chữ ký giao dịch nhưng khóa cá nhân vẫn được ẩn khỏi mạng lưới. Bitcoin sử dụng giải thuật Ký Số Hệ Mật Đường Cong Elliptic (ECDSA) để đánh dấu giao dịch.
Hợp đồng thông minh
Hợp đồng thông minh là những hợp đồng được viết bằng mã máy tính và vận hành trên một Blockchain hoặc sổ cái phân tán. Chúng tự động xác nhận, xử lý và ép buộc thực hiện các hợp đồng căn cứ theo thuật ngữ được viết bằng mã. Các hợp đồng thông minh có thể tự xử lý hoặc tự ép buộc thực hiện một phần hoặc toàn phần.
Solidity
Solidity là ngôn ngữ lập trình được sử dụng để lập trình mã được Máy ảo Ethereum thông dịch, để dùng trong hợp đồng thông minh hoặc các ứng dụng phi tập trung trên mạng Ethereum. Nó là một cấu trúc cú pháp tương tự như JavaScript.
Giao dịch không được xác nhận
Đây là các giao dịch không được đưa vào bất cứ khối nào, được gọi là giao dịch "xác nhận 0". Các giao dịch không được xác nhận sẽ tiếp tục ở trạng thái không được xác nhận cho đến khi mạng lưới quyết định bỏ đi, có thể thấy nó trên Blockchain hoặc tự gắn mình vào Blockchain. Xem thêm Số xác nhận.
Tấn Công Quá Bán
Tấn Công Quá Bán, hay còn gọi là tấn công trên 50% hoặc tấn công giao dịch lặp chi. Tình huống này xảy ra khi có trên 50% công suất tính toán trên một mạng lưới tiền mã hóa bị một cá nhân hoặc nhóm người kiểm soát. Bằng cách kiểm soát trên 50% công suất tính toán trên mạng lưới, họ có thể thay đổi mạng lưới và Blockchain thông qua việc chấp nhận giao dịch lặp chi, ngụy tạo giao dịch và khiến các giao dịch không được xác nhận. Ngay cả khi lý thuyết này khả thi, số lượng các thợ đào và công suất tính toán ngày càng tăng trên mạng lưới sẽ khiến Tấn Công Quá Bán càng khó xảy ra. Tấn Công Quá Bán gần như không có khả năng xảy ra trên mạng lưới Bitcoin, nhưng xác suất xảy ra cao hơn đối với những đồng tiền mã hóa nhỏ hơn và mới ra đời.